Ví trả sau MoMo và sự bùng nổ đã được báo trước

Việt Hưng - 15:08, 29/10/2021

TheLEADERVới sự xuất hiện của hàng loạt startup lớn mạnh, bao gồm cả startup nội địa, startup trong khu vực và châu Âu, dự báo thị trường dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Dùng trước trả sau

Bước vào mùa mua sắm, MoMo tung chương trình hoàn tiền 50% cùng hàng triệu bao lì xì, quà tặng và tiền mặt từ 1/11 - 11/11.

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đợt dịch thứ 4 với sức mua dự báo tăng, "Siêu hội hoàn tiền 50%" năm nay của MoMo gắn với thông điệp "Dùng Ví Trả Sau - Mua sắm không cần tiền".

Tại đây, người dùng có thể mua sắm với giá ưu đãi và được hoàn tiền đến 50% mà không cần có sẵn tiền với Ví Trả Sau trên MoMo, bao gồm: đặc quyền mua trước và trả sau lên đến 45 ngày không lãi suất khi "chốt đơn" bằng Ví Trả Sau.

Chương trình năm nay áp dụng cho mọi người dùng sở hữu Ví MoMo, tuy nhiên phía công ty nhấn mạnh, những người dùng đăng ký sử dụng Ví Trả Sau sẽ được hưởng trọn những đặc quyền mua sắm và tận dụng tối đa ưu đãi.

Ví Trả Sau MoMo là sản phẩm hợp tác của TPBank và MoMo. Sản phẩm cho phép người dùng sử dụng hạn mức trên Ví Trả Sau để thanh toán, mua sắm hàng trăm dịch vụ ngay trên ứng dụng MoMo và trả tiền sau (từ 35 - 45 ngày). Sản phẩm này còn được biết đến là "Dùng trước - Trả sau".

Có khoản "ứng trước" từ Ví Trả Sau, người dùng có thể thanh toán các dịch vụ thiết yếu như: hóa đơn điện và nước, Internet, phí chung cư, học phí; mua hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi; dịch vụ ăn uống; mua sắm online...

Chỉ cần có tài khoản MoMo và có lịch sử tín dụng tốt, người dùng sẽ được TPBank mở Ví Trả Sau với hạn mức từ 1 đến 5 triệu đồng với thao tác đơn giản, không cần chứng minh thu nhập, không tốn phí và không thủ tục rườm rà. Hằng tháng, nếu thanh toán đúng hạn, khoản tiền "dùng trước" này không bị tính lãi suất.

Ví trả sau MoMo và sự bùng nổ đã được báo trước
Ví Trả Sau MoMo là sản phẩm hợp tác của TPBank và MoMo

Bức tranh toàn cảnh

Thực tế, xu hướng "Dùng trước - Trả sau" đang rất phổ biến trên thế giới. Theo báo cáo của Worldpay, các dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" sẽ là một trong những hình thức thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong vòng 5 năm tới.

Chi tiêu trên các nền tảng này cũng được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025. Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính người tiêu dùng đã chi hơn 20 tỷ USD thông qua việc sử dụng các dịch vụ "mua trước, trả sau" vào năm ngoái.

PayPal công bố chi tới 2,7 tỷ USD để mua lại Paidy - một nền tảng "Dùng trước - Trả sau" của Nhật Bản. Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn tất vào quý 4/2021, đánh dấu bước tiến mới của đại gia fintech đến từ Mỹ trong việc thúc đẩy mảng kinh doanh tại Nhật Bản.

Là một công ty công nghệ tài chính ra đời vào năm 2008 tại Tokyo, Paidy cho phép các nhà kinh doanh online cung cấp thanh toán qua thẻ tín dụng và trả góp cho khách hàng của họ. Công ty hiện có 6 triệu khách hàng này đã huy động được khoảng 400 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm Goldman Sachs và PayPal Ventures - chi nhánh của PayPal.

Trước đó, Square Inc cũng hé lộ kế hoạch mua lại công ty Afterpay Ltd. với mức giá lên tới 29 tỷ USD. Nền tảng dịch vụ “mua trước trả sau” của Australia này sở hữu hơn 16 triệu khách hàng và gần 100.000 người bán trên toàn thế giới đang sử dụng nền tảng này.

Thương vụ này dự kiến kết thúc vào quý 1/2022 sẽ chắp cánh để Square sở hữu một phần lớn trong không gian thanh toán kỹ thuật số cũng như mở rộng quyền truy cập cho người dùng.

Tại Việt Nam, phần lớn người dân mới chỉ biết đến dịch vụ này qua thẻ tín dụng do các ngân hàng cung cấp.

Không giống như thẻ tín dụng, khách hàng dùng "Dùng trước - Trả sau" sẽ không phải chịu các khoản phí ẩn và lãi suất "cắt cổ" khi chậm thanh toán. Đặc tính của hình thức này là minh bạch, tức là khách hàng sẽ biết chính xác số tiền mà họ phải trả.

Việc đăng ký "Dùng trước - Trả sau" cũng được thực hiện nhanh chóng, so với thẻ tín dụng đòi hỏi nhiều thời gian và thủ tục giấy tờ. Với KYC, một số khách hàng có thể được phê duyệt ngay lập tức và có thể bắt đầu giao dịch.

Trong khi thẻ tín dụng được thiết kế dành cho các khách hàng có điểm tín dụng cao, "Dùng trước - Trả sau" tiếp cận đối tượng khách hàng rộng lớn hơn, bao gồm cả những người chưa có đủ lịch sử tín dụng.

Lãi suất phạt của "Dùng trước - Trả sau" cũng thấp hơn nhiều so với thẻ tín dụng (được cho là hình thức tín dụng đắt tiền nhất với lãi thanh toán quá hạn lên tới 48%/năm)…

Ví trả sau MoMo và sự bùng nổ đã được báo trước 1
Dự báo thị trường "Dùng trước - Trả sau" của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết

Cuộc chơi nóng bỏng không chỉ có MoMo

Startup "Dùng trước - Trả sau" Fundiin của ông Nguyễn Ảnh Cường, cựu Giám đốc Quỹ đầu tư Vietnam Holding, đã huy động thành công 1,8 triệu USD trong vòng series A. 

Fundiin cung cấp các sản phẩm mô hình "Dùng trước - Trả sau" vào giữa năm 2020 với hơn 100 đối tác, bao gồm các tên tuổi bán lẻ có tiếng như Lug, Vua Nệm, Mắt Việt, Giant International, v.v..

Theo chia sẻ từ đại diện công ty, số tiền gọi vốn này sẽ giúp Fundiin củng cố đội ngũ làm việc, phục vụ nhu cầu tăng cao từ người dùng và đối tác bán lẻ. Đặc biệt trong tương lai Fundiin sẽ hợp tác với Sapo, kết nối với 100.000 đơn vị bán lẻ trên nền tảng này.

Hoặc trước đó, Việt Nam đón nhận thêm một startup kỳ lân gia nhập thị trường fintech. Đó là Kredivo, nền tảng cung cấp dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" đến từ Indonesia. Tại Indonesia, Kredivo là đối tác thanh toán của các ông lớn trong ngành thương mại điện tử như BukaLapak, Moka, Tokopedia hay Shopee.

Theo thông tin ghi nhận, tại Việt Nam, Kredivo đã hợp tác với công ty VietCredit nhằm triển khai các tính năng thanh toán hóa đơn và khoản vay cá nhân trong thời gian đầu. Sau đó đôi bên mới ra mắt dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" cho các nền tảng thương mại điện tử vào cuối năm 2021.

Trước đó nữa, kỳ lân công nghệ Đức Mambu cũng đã bước chân vào thị trường Việt Nam. Đây là startup đã gọi vốn thành công 110 triệu euro, trở thành kỳ lân công nghệ mới của Đức với giá trị khoảng 1,7 tỷ euro. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Manbu là dịch vụ công nghệ phần mềm trong ngân hàng.

Mambu hợp tác với KMS Solutions để gia nhập vào thị trường chuyển đổi số ở Việt Nam. Đôi bên dự tính triển khai một ngân hàng số toàn diện, không chỉ cung cấp giải tự động hóa cho ngân hàng, mà còn cung cấp những dịch vụ như "Dùng trước - Trả sau", tài khoản thanh toán, thanh toán ngang hàng,... cho khách hàng cá nhân.

Với sự xuất hiện của hàng loạt startup lớn mạnh, bao gồm cả startup nội địa, startup trong khu vực Đông Nam Á và châu Âu, dự báo thị trường dịch vụ "Dùng trước - Trả sau" của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây cũng là cơ hội để ngành dịch vụ tài chính ngân hàng Việt Nam đổi mới.