AI không được cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ

Hường Hoàng - 20:02, 27/10/2022

TheLEADERBa năm trước, TS. Stephen Thaler, một người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đã nộp đơn đăng ký sáng chế với chủ sở hữu quyền là một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI).

AI không được cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ
Liệu những sáng tạo của AI có nên được cấp bằng sáng chế? (Ảnh: MIT Technology Review)

Sau khi Giám đốc thẩm, Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) nhận thấy hai đơn đăng ký sáng chế này không hoàn chỉnh vì không có chủ sở hữu quyền hợp lệ, bởi theo luật sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ, máy móc không thể là một nhà sáng chế.

Kháng nghị lên Tòa án quận, tiến sĩ Thaler vẫn nhận được kết luận rằng "nhà sáng chế" phải là một thể nhân.

Sau đó, TS Thaler đã kháng nghị lên Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ (U.S. Court of Appeals for the Federal Circuit), về việc liệu AI có đủ tiêu chuẩn là "nhà sáng chế" theo luật sáng chế của Hoa Kỳ hay không. Cho đến hiện tại, câu trả lời vẫn là không.

Cơ sở lý luận của Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ

Tòa án cho biết, Đạo luật Sáng chế xác định thuật ngữ “nhà sáng chế” (inventor) được dùng cho các "cá nhân" (individual) kể từ năm 2011.

Mặc dù Đạo luật Sáng chế không định nghĩa thêm về từ "cá nhân", nhưng dựa trên ý nghĩa thông thường của từ này cũng như các án lệ liên quan, Tòa trích dẫn giải thích của Tòa án Tối cao rằng danh từ “cá nhân” thường để chỉ một con người.

Cách giải thích này phù hợp với cách người ta sử dụng thuật ngữ “cá nhân” trong lời nói hàng ngày và định nghĩa từ điển của thuật ngữ này.

Tòa án cũng cho biết Tòa án Tối cao cũng sử dụng từ “cá nhân” để chỉ con người trong các tiền lệ khác, trừ trường hợp có bằng chứng chứng minh rằng Quốc hội có cách định nghĩa khác về từ này. Tuy vậy, trong Đạo luật Sáng chế không có bất cứ bằng chứng nào như vậy.

Nhiều phán quyết trái chiều

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất không cho phép AI trở thành nhà sáng chế. Tòa án phúc thẩm Vương quốc Anh gần đây cũng đã quyết định từ chối cấp bằng sáng chế cho chương trình AI của TS. Thaler.

Sau khi xem xét quy chế cấp bằng sáng chế, Tòa phúc thẩm Vương quốc Anh (Khối Dân sự) phán quyết "nhà sáng chế" phải là "con người" để có thể giám sát và đánh giá tình hình thực tế của sáng chế.

Tuy nhiên, ở Úc, Tòa án Liên bang với sự tham gia của tất cả các thẩm phán (full court) đã kết luận rằng AI có thể là một "nhà sáng chế" bởi luật pháp Úc không loại trừ cách giải thích này và công nhận "bản chất phát triển của sáng tạo (có khả năng được cấp bằng sáng chế) và những người tạo ra chúng ".

Văn phòng Sáng chế Nam Phi cũng đã cấp bằng sáng chế cho TS. Thaler với chủ sở hữu quyền là AI.

Ý nghĩa của quyết định này

Vậy trong tương lai, điều gì sẽ xảy ra? Hiện tại, TS. Thaler đã yêu cầu xét xử lạị vụ kiện tại Tòa án Liên bang Hoa Kỳ.

Trong bản yêu cầu xét xử lại, luật sư của TS. Thaler đã đưa ra 3 lập luận. Thứ nhất, định nghĩa của từ "cá nhân" trong từ điển có bao gồm cả chương trình AI.

Thứ hai, việc từ chối bảo hộ bằng sáng chế cho các phát minh của AI trái với tiền lệ của Tòa án Tối cao, trong đó quy định khả năng cấp bằng sáng chế sẽ không bị phủ nhận bởi cách sáng chế được tạo ra.

Và cuối cùng, Luật sư của Thaler cũng lập luận rằng việc Tòa án từ chối các bằng sáng chế do AI tạo ra sẽ đi ngược lại ý định khuyến khích sự đổi mới của Đạo luật Sáng chế.

Theo định nghĩa chuẩn của Tòa án Liên bang Hoa Kỳ, việc quy định rằng "nhà sáng chế" phải là con người đã khiến hình ảnh người dùng hiện ra rõ nét hơn, khiến cho quyết định của USPTO trong việc từ chối các đơn đăng ký bằng sáng chế do AI sáng tạo ra càng trở nên rõ ràng hơn.

Bản kháng nghị của Thaler đã khiến cho Tòa án phải giải quyết một vấn đề thuần túy về pháp luật, bởi chủ quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp này là AI. Tòa án chưa bao giờ đặt ra một câu hỏi phức tạp về mức độ phụ thuộc vào AI trong quá trình phát minh sẽ tước quyền sở hữu của con người.

Nói một cách khác, nếu con người sử dụng AI như một công cụ, thì cũng giống như các sáng chế truyền thống, người tạo ra AI có thể sử dụng AI để tạo ra một sáng chế và nộp đơn đăng ký quyền sở hữu sáng chế đó cho chính bản thân mình.

Tuy nhiên, theo phán quyết hiện tại của Tòa phúc thẩm khu vực liên bang, nếu vai trò của AI trong quá trình sáng tạo tăng lên ngang tầm với một nhà sáng chế, thì sáng chế đó không đủ điều kiện để được bảo hộ bằng sáng chế.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ phải xem xét mức độ đóng góp của những nhân tố thực hiện sáng chế để quyết định xem họ có phải là nhà sáng chế hay không.

Nếu vậy, khi con người là chủ thể đăng ký sáng chế thì khả năng sáng chế đó được cấp sẽ cao lên. Tuy nhiên, theo TS. Thaler, nếu AI là chủ thể đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thì sáng tạo đó sẽ không được cấp bằng sáng chế. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với đơn đăng ký giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp.

Các nhà thiết kế thường xuyên sử dụng những chương trình máy tính (chẳng hạn như CAD) để có thể giảm bớt thời gian và công sức trong quá trình thiết kế. Nhưng ngày càng nhiều chương trình AI có thể tối ưu hóa các thiết kế hiện có, với mục đích giảm trọng lượng các vật liệu cần thiết để tạo ra sản phẩm.

Khi những thay đổi này ảnh hưởng đến diện mạo của thiết kế, người ta có thể đánh giá rằng AI đảm nhận vai trò đồng thiết kế. Sớm thôi, một số thiết kế có thể sẽ được tạo ra hoàn toàn bởi AI, và từ những sản phẩm đó, con người chỉ cần phải lựa chọn để có được phương án cuối cùng.

Vấn đề tương tự cũng tồn tại trong lĩnh vực bản quyền. Đầu năm nay, Cục Bản quyền Hoa Kỳ cũng ra kết luận rằng họ không thể cấp bản quyền cho tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra, vì những tác phẩm này thiếu "quyền tác giả của con người". (Đáng chú ý, trường hợp này cũng liên quan đến TS. Thaler).

Mặc cho TS. Thaler đánh giá việc này là vi hiến, Văn phòng Bản quyền vẫn từ chối thay đổi cách nhìn nhận rằng chủ sở hữu quyền của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền phải là một con người.

Bởi một khi thay đổi theo hướng này, họ sẽ bỏ đi lịch sử hàng trăm năm của luật bản quyền, với một án lệ phán quyết năm 2018 có nội dung rằng: Nếu một con khỉ lấy trộm một cái máy ảnh và chụp một số bức ảnh, nó không thể khởi kiện được nhiếp ảnh gia về bản quyền của những bức ảnh đó.

Cách đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho các sáng tạo của AI

Để tăng khả năng được cấp quyền sở hữu trí tuệ cho những sáng tạo của AI, các nhà đổi mới sáng tạo có thể sử dụng một số chiến lược sau.

Trên bản miêu tả những thông số kỹ thuật của giải pháp hữu ích dựa trên công nghệ liên quan đến AI cần ghi rõ ràng rằng công nghệ AI là một công cụ được con người sử dụng để thực hiện sáng chế.

Trong đơn xin cấp bằng sáng chế, nên soạn thảo với nội dung sao cho mỗi yếu tố về nền tảng sáng tạo và cách thức hoạt động đều hướng đến sự đóng góp của con người.

Nếu không thể (hoặc không muốn) đăng ký cấp bằng sáng chế theo hướng AI công cụ và con người đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo, các cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ sản phẩm, dịch vụ, quy trình sáng tạo đó dưới hình thức bí mật thương mại.

Nếu bảo họ sáng tạo theo hình thức này, các tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng các chính sách cấm tiết lộ công khai để duy trì sự bất khả xâm phạm của bí mật thương mại. Trong trường hợp đó, các nhà sáng chế không phải tuân thủ các nghĩa vụ tiết lộ và yêu cầu theo quy chế đăng ký bảo hộ sáng chế.

Hơn nữa, trong hoạt động bảo vệ bí mật thương mại, doanh nghiệp không phải xác định mức độ đóng góp của những cá nhân, máy móc tham gia vào quá trình sáng tạo. Vì vậy, doanh nghiệp không cần phải xác định xem liệu sản phẩm, dịch vụ sáng tạo đó có đủ điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh hay không, dù sản phẩm sáng tạo đó có nguồn gốc từ sự đóng góp của con người hay phi con người.

Đối với kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp vẫn có thể đăng ký bảo hộ bao bì thương mại (trade dress) cho thiết kế, miễn thiết kế đó đáp ứng được những yêu cầu phi chức năng và được giải thích ý nghĩa một cách phù hợp. Bao bì thương mại là một loại nhãn hiệu không yêu cầu chủ sở hữu quyền phải là con người.

Trong khi chờ đợi thêm những phán quyết từ Tòa án Tối cao, trường hợp của TS. Thaler có thể khiến Quốc hội xem xét Đạo luật Sáng chế (và có thể là cả Đạo luật Bản quyền) trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay.

Nhiệm vụ này không phải là không có thách thức. Quốc hội sẽ phải sửa đổi yêu cầu rằng nhà sáng chế phải xác định được rằng họ là người sáng tạo đầu tiên. Ngoài ra, trong trường hợp AI là chủ quyền sở hữu trí tuệ, bản mô tả sáng chế có thể dẽ được viết dựa trên khả năng hiểu và tiếp nhận của máy móc, thay vì con người.

Việc cấp bằng sáng chế cho AI giúp cho người ta có nhiều lựa chọn hơn để bảo vệ các sáng tạo, tránh tình trạng tất cả các sáng chế đều được bảo hộ bằng hình thức bí mật thương mại, hoặc rơi vào phạm vi công cộng (public domain) một cách không cần thiết.

Thêm vào đó, nếu Quốc hội Hoa Kỳ thay đổi quy chế, trong tương lai có thể xảy ra tình trạng “bong bóng” các sáng tạo của AI, và không phải sáng tạo nào cũng đủ điều kiện để được cấp bằng sáng chế.

Vì vậy, nhiều người cũng cân nhắc rằng họ có cần phải bảo hộ quyền sáng chế của AI hay không, bởi những sáng tạo của AI đều tương đối rẻ, nhưng lại có thể mang giá trị khá cao và dễ bị các đối thủ cạnh tranh xâm phạm.

Cuối cùng, câu hỏi liệu có nên cấp bằng sáng chế cho AI sẽ còn được bàn luận nhiều trong tương lai. Và TS. Thaler có thể được coi là người tiên phong trên hành trình đó.