Doanh nghiệp dệt may đói đơn hàng, chấp nhận giá giảm sâu

Kiều Mai - 15:51, 31/07/2023

TheLEADERNhiều doanh nghiệp dệt may đến nay vẫn chưa đủ đơn hàng cho hai quý cuối năm, phải chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, và mức giá thậm chí giảm đến 50% so với bình thường.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong bản giải trình cuối tháng 7 cho biết, lợi nhuận sau thuế quý II/2023 giảm gần 90% so với quý II/2022, và trong 6 tháng đầu năm, mức lợi nhuận sau thuế sụt giảm tới hơn 96%.

Vinatex giải thích, tiếp nối những khó khăn của thị trường từ cuối năm 2022, sang đầu năm 2023, các doanh nghiệp của tập đoàn tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do cầu thấp. Đơn hàng thiếu hụt, người lao động thiếu việc làm.

“Để đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp của tập đoàn buộc phải nhận những đơn hàng giá thấp, song vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động”, đơn vị này cho biết thêm.

Cụ thể, mức lương trả cho người lao động bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng, trong khi với mức giá của các đơn hàng nhận được, thì mức lương bình quân chỉ đạt dưới 6 triệu đồng/người/tháng. Điều này làm ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn, đặc biệt là đối với dệt may là ngành có số lượng lao động rất lớn.

Doanh nghiệp dệt may đói đơn hàng, chấp nhận giá giảm sâu
Vinatex cho biết các doanh nghiệp của tập đoàn buộc phải nhận những đơn hàng giá thấp, song vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động. Ảnh: Vinatex.

CTCP Đầu tư và thương mại TNG cũng đưa ra nguyên nhân tương tự, khi báo cáo tài chính cho thấy mức lợi nhuận sau thuế quý II/2023 giảm tới gần 37% so với cùng kỳ.

“Quý II/2023, doanh thu của công ty ghi nhận là đơn hàng xác nhận và sản xuất từ tháng 1/2023. Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, một số khách hàng lớn có lượng, đơn giá giảm so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng chi phí trả cho người lao động vẫn phải đảm bảo, chi phí sản xuất không giảm”, TNG cho biết.

Trong khi đó, CTCP Garmex Sài Gòn thậm chí còn ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm lỗ, trong khi nửa đầu năm ngoái có lãi.

Nguyên nhân là bởi do chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính, dẫn tới thiếu đơn hàng, đơn hàng số lượng nhỏ, đơn giá thấp.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) trong thông cáo về tình hình dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm dự báo, tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần, nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV.

Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn, do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.

VITAS nhận định, có một số nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm của các doanh nghiệp dệt may, đơn cử như tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm do tác động tiêu cực của dịch bệnh, cùng biến động chính trị.

Ngành dệt may theo đó chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính, như Mỹ, EU. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, xuất khẩu sang các thị trường lớn giảm còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU, và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức.

Trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành bốn lần, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022, nên hiện lãi suất vay vẫn ở mức cao, VITAS cho biết thêm.

Đi tìm giải pháp

Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt 39 - 40 tỷ USD.

Theo VITAS, để hoàn thành mục tiêu, các doanh nghiệp cần chú trọng ba vấn đề cốt lõi, trước hết là tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt; tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thứ hai, doanh nghiệp cần giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi, để có việc làm cho người lao động, và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Cùng với đó, doanh nghiệp cần xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài, cũng như khai thác thị trường mới, trong khi quan tâm thị trường nội địa.

Thứ ba, VITAS khuyến nghị doanh nghiệp cần giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết.

Ở phía doanh nghiệp, Garmex Sài Gòn cho biết, để khắc phục kết quả kinh doanh lỗ, công ty đã cân đối lại nhân sự phù hợp với tình hình mới.

Trong quý II/2023, công ty đã thu hẹp hoạt động, tiết giảm chi phí để giảm thiểu thiệt hại. Cùng với đó, công ty tiếp tục rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có, hoặc thanh lý tài sản không cần dùng.

Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất kinh doanh các đơn vị trọng yếu, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, nhấn mạnh, giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn kéo dài là tập trung xóa đơn vị năng suất thấp; sẵn sàng làm ở nhiều thị trường, đơn hàng nhỏ lẻ, giao hàng gấp, khách hàng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, phục vụ khó.

Cùng với đó, thu hẹp khu vực không có giải pháp cải thiện một cách có tính toán, hạn chế thiệt hại; tìm kiếm sản phẩm cao cấp; giảm phụ thuộc lao động, tập trung giữ chân lao động có chất lượng.