Làm việc trong ngành tài chính - ngân hàng có mức thu nhập cao nhất

Minh Anh - 18:21, 25/07/2019

TheLEADERThu nhập của lao động trong khu vực tư nhân và FDI vẫn thấp hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, thu nhập bình quân tháng của lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 đạt 8,3 triệu đồng, tăng 10,1% so với năm 2016. 

Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng một lao động đạt cao nhất với 11,91 triệu đồng, tăng 4,4% so với năm 2016. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 11,35 triệu đồng, tăng 0,8%. Lao động trong khu vực doanh nghiệp FDI đạt 9,04 triệu đồng, tăng 6,2%.

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước mặc dù có mức thu nhập của người lao động thấp nhất trong ba loại hình doanh nghiệp với 7,37 triệu đồng/tháng nhưng là khu vực có tốc độ cải thiện thu nhập cho người lao động nhanh hơn, tăng 15,1% so với năm 2016.

Thu nhập lao động doanh nghiệp nhà nước vượt xa khu vực FDI và tư nhân

Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân một lao động một tháng năm 2017 đạt cao nhất với 9,41 triệu đồng, tăng 12,5% so với năm 2016. Trong đó, ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân lao động đạt cao nhất trong các ngành kinh tế với 21,6 triệu đồng.

Thu nhập của lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,76 triệu đồng, tăng 8,5%. Ngành sản xuất và phân phối điện có mức thu nhập bình quân đạt cao nhất với 16,1 triệu đồng. 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp nhất trong các khu vực kinh tế với 5,25 triệu đồng, tăng 3,9% so với năm 2016.

Các địa phương có mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 cao nhất cả nước là những địa phương thuộc các trung tâm công nghiệp, thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả những năm qua.

Những địa phương này gồm Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 10,4 triệu đồng; TP. HCM 9,85 triệu đồng; Hà Nội 9,19 triệu đồng; Bắc Ninh 8,98 triệu đồng; Đồng Nai 8,82 triệu đồng; Thái Nguyên 8,74 triệu đồng; Quảng Ninh 8,29 triệu đồng; Bình Dương 8,19 triệu đồng.

Những địa phương có mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong doanh nghiệp năm 2017 dưới 5 triệu đồng, thấp nhất cả nước gồm: Bạc Liêu 4,17 triệu đồng; Điện Biên 4,32 triệu đồng; Sơn La 4,58 triệu đồng; Đắk Nông 4,64 triệu đồng; Đắk Lắk 4,74 triệu đồng; Thanh Hóa 4,91 triệu đồng.

Thu nhập bình quân tháng một lao động làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cả nước giai đoạn 2016 - 2017 đạt 7,89 triệu đồng, tăng 34,2% so với thu nhập bình quân giai đoạn 2011 - 2015.

Cũng theo số liệu từ Sách trắng, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 14,51 triệu người, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2016. 

Số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước là 1,2 triệu người, chiếm 8,3% lao động toàn 30 bộ khu vực doanh nghiệp, giảm 6,5% so với năm 2016. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện thu hút nhiều lao động nhất với 8,8 triệu lao động, chiếm 60,6%, tăng 2,7%. Khu vực doanh nghiệp FDI thu hút 4,5 triệu lao động, chiếm 31,1%, tăng 8,6%.

Tốc độ tăng lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động năm 2017 so với năm 2016 của một số trung tâm công nghiệp lớn: TP. HCM tăng 0,1%; Hà Nội tăng 3,4%; Đồng Nai tăng 1,7%; Bình Dương tăng 4,7%; Hải Phòng tăng 4,6%; Bắc Ninh tăng 20,7%.

Bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2017, các doanh nghiệp đang hoạt động cả nước thu hút 14,26 triệu lao động, tăng 22,5% so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015.