Chuỗi cà phê ngoại khó chen chân vào thị trường Việt Nam

Việt Hưng - 19:37, 20/11/2023

TheLEADERTheo thống kê của Momentum Works, 4/5 các chuỗi đồ uống hiện đại dẫn đầu Việt Nam thuộc sở hữu các doanh nghiệp trong nước, gồm: Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend, The Coffee House và Phúc Long.

Theo báo cáo từ hãng nghiên cứu Momentum Works, người dân trên toàn khu vực Đông Nam Á đã chi ra khoảng 3,4 tỷ USD cho các chuỗi đồ uống hiện đại - chủ yếu là các thức uống trà và cà phê trong năm 2023.

Dẫn đầu là thị trường Indonesia và Thái Lan. Thị trường Việt Nam được Momentum Works thống kê xếp thứ 3 toàn khu vực, với quy mô khoảng 570 triệu USD, cao hơn các quốc gia như: Singapore, Malaysia và Philippines.

Công ty nghiên cứu này đánh giá, bất chấp tốc độ tăng trưởng chậm lại sau giai đoạn Covid-19 bùng phát, các chuỗi đồ uống hiện đại vẫn thu hút các nhà đầu tư và các đại gia bán lẻ trong khu vực.

Báo cáo này định nghĩa, các chuỗi đồ uống hiện đại không bao gồm hoạt động kinh doanh cà phê hòa tan, hoặc cà phê bán rong, bán tại vỉa hè.

Đối với Việt Nam, thị trường chuỗi đồ uống hiện đại càng trở nên đặc biệt hơn khi hiếm có sự góp mặt của các thương hiệu ngoại. Theo thống kê của Momentum Works, 4/5 các chuỗi đồ uống hiện đại dẫn đầu Việt Nam thuộc sở hữu các doanh nghiệp trong nước, gồm: Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend, The Coffee House và Phúc Long.

Duy nhất Starbucks là thương hiệu ngoại góp mặt trong nhóm năm chuỗi đồ uống hiện đại tại Việt Nam, với hơn 100 cửa hàng ở 9 tỉnh, thành phố.

Phía Starbucks từng thể hiện mong muốn tập trung vào thị trường Việt Nam, khi gần đây có tân CEO người Việt là ông Hồ Mai Hồ, sau hơn 10 năm được điều hành bởi nữ doanh nhân Patricia Marques.

Đại diện Starbucks khẳng định, việc chuyển giao vị trí tổng giám đốc của Starbucks Việt Nam nhằm phục vụ sản phẩm cà phê với chất lượng tốt nhất, tạo mối liên kết đến từng khách hàng.

Cùng thời với Starbucks, nhiều chuỗi cà phê ngoại đã phải rời bỏ thị trường như Gloria Jean’s, New York Dessert Coffee hay The Coffee Bean & Tea Leaf. Gần đây, hai thương hiệu đồ uống hiện đại là Mellower Coffee và Auntie Anne's cũng phải rời đi.

Có nhiều nguyên nhân khiến chuỗi đồ uống ngoại vẫn chưa thể bùng nổ tại Việt Nam. Theo CNBC, điểm khác biệt đầu tiên nằm ở yếu tố hương vị.

Hầu hết các cửa hàng cà phê phương Tây phục vụ cà phê làm từ hạt Arabica - loại chiếm tới 75% cà phê thế giới. Cà phê Việt Nam được ủ bằng hạt cà phê Robusta, có vị đắng hơn, ngon hơn và hàm lượng caffeine cao hơn so với hạt Arabica, và rẻ hơn.

Còn theo Nikkei Asia, văn hóa bản địa cũng là một rào cản lớn với các chuỗi cà phê ngoại. Thay vì chọn lựa các quán cà phê sang trọng, người Việt dường như vẫn ưa chuộng các quán cà phê có thể ngắm phố phường, hoặc uống cà phê ngồi vỉa hè.

Do thiếu am hiểu tính bản địa, nhiều chuỗi cà phê ngoại phải thu hẹp quy mô, hoặc rời đi trong nuối tiếc. Một rào cản khác nằm ở mức giá. Theo Nikkei Asia, không nhiều người Việt Nam chấp nhận mức giá 90.000 - 100.000 đồng cho một ly cà phê.

Những nhận định này phù hợp với số liệu được công bố từ báo cáo "Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022" thực hiện bởi iPos.vn, VIRAC và Cộng đồng chuyên trang F&B Việt Nam.

Theo báo cáo này, 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 - 70.000 đồng (mức chi ở các thương hiệu đồ uống như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House,...).

Và chỉ khoảng 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng (mức chi ở các thương hiệu đồ uống cao cấp như Starbucks, Runam Bistro,...).

Báo cáo này đánh giá, 2023 khả năng trở thành cuộc chiến dành thị phần giữa các chuỗi lớn khi các chủ đầu tư nhỏ lẻ thận trọng. Theo đó, quý 4/2022 chứng kiến sự chững lại của ngành F&B so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Các thương hiệu lớn như Highlands Coffee, The Coffee House vẫn bền bỉ mở rộng chuỗi, tuy nhiên cạnh tranh ngày một tăng đến từ các thương hiệu mới, đang tạo nên tiếng vang như Phê La, Katinat...