Cựu CEO Go-viet mở chuỗi cà phê công nghệ

Việt Hưng - 20:09, 13/02/2024

TheLEADERDù không tiết lộ số tiền cụ thể, nhưng việc chuỗi Révi Coffee & Tea được quỹ ngoại rót vốn đã đánh dấu sự trở lại của dòng vốn ngoại với thị trường cà phê Việt Nam.

Thời còn là nhà sáng lập và cựu CEO Go-Viet, ông Nguyễn Vũ Đức đã đưa thành công ứng dụng gọi xe số 1 tại Indonesia là Gojek sang thị trường Việt Nam vào năm 2018.

Go-Viet sau đó được biết đến là ứng dụng gọi xe của người Việt do Gojek hậu thuẫn, và chính thức được hợp nhất thành Gojek Việt Nam vào tháng 7/2020.

Trước đó, cựu CEO Nguyễn Vũ Đức đã rời đi vào đầu năm 2019 và âm thầm đầu quân cho siêu ứng dụng MoMo. Tại đây, ông Đức phụ trách mảng hợp tác ngân hàng, chuyển tiền P2P và phát triển mạng lưới của ví điện tử.

Tới đầu năm 2023, ông Nguyễn Vũ Đức cùng bà Nguyễn Bảo Linh - cũng là người cũ của Go-Viet, sáng lập chuỗi Révi Coffee & Tea.

Dù là một thương hiệu non trẻ, nhưng Révi Coffee & Tea đã có 8 cửa hàng ở Hà Nội, chủ yếu được đặt tại tầng 1 các tòa nhà văn phòng cao cấp như: toà Capital Place - Liễu Giai, toà Keangnam Landmark Tower 72 - Phạm Hùng, Leadvisors Place - Lý Thái Tổ...

Theo giới thiệu, Révi Coffee & Tea được định vị là chuỗi cà phê công nghệ thế hệ mới. Chuỗi này là mô hình cafe đầu tiên không sử dụng tiền mặt và tập trung phát triển các trải nghiệm khách hàng, dịch vụ đối tác qua nền tảng số.

Yếu tố công nghệ tại Révi Coffee & Tea còn được thể hiện qua việc chuỗi này đã ứng dụng để tối ưu hoá vận hành và quản lý hiệu quả.

Cựu CEO Go-viet mở chuỗi cà phê công nghệ
Cựu CEO Go-viet mở chuỗi cà phê công nghệ - Ảnh: Révi Coffee & Tea

Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, Révi Coffee & Tea đã huy động vốn thành công từ quỹ TNB Aura có trụ sở tại Singapore, cùng các quỹ đầu tư và tổ chức trong nước như: Touchstone Partners, AiViet Venture.

Dù không tiết lộ số tiền cụ thể, nhưng việc chuỗi Révi Coffee & Tea được quỹ ngoại rót vốn đã đánh dấu sự trở lại của dòng vốn ngoại với thị trường cà phê Việt Nam.

Lần gần nhất một chuỗi cà phê Việt nhận vốn ngoại là vào năm 2015, khi The KAfe nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD từ nhà đầu tư danh giá Cassia Invesments, nhưng kết cục đã phải đóng cửa.

Theo đánh giá của Momentum Works, thị trường chuỗi cà phê Việt Nam hiện xếp thứ 3 toàn khu vực, với quy mô khoảng 570 triệu USD, cao hơn các quốc gia như: Singapore, Malaysia và Philippines.

Công ty nghiên cứu này đánh giá, bất chấp tốc độ tăng trưởng chậm lại sau giai đoạn Covid-19 bùng phát, các chuỗi đồ uống hiện đại vẫn thu hút các nhà đầu tư và các đại gia bán lẻ trong khu vực.

Đáng chú ý, 4/5 các chuỗi đồ uống hiện đại dẫn đầu Việt Nam thuộc sở hữu các doanh nghiệp trong nước, gồm: Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend, The Coffee House và Phúc Long.

Duy nhất Starbucks là thương hiệu ngoại góp mặt trong nhóm năm chuỗi đồ uống hiện đại tại Việt Nam, với hơn 100 cửa hàng ở 9 tỉnh, thành phố.

Còn theo iPos.vn, thị trường chuỗi cà phê Việt Nam đang có sự phân hóa, khi các thương hiệu lớn như Highlands Coffee, The Coffee House vẫn bền bỉ mở rộng chuỗi. Trong khi các thương hiệu mới, đang tạo nên tiếng vang như Phê La, Katinat... cũng muốn có được thị phần.

Gần đây, Cotti Coffee - chuỗi cà phê lớn thứ hai ở Trung Quốc đã đặt chân đến Việt Nam. Dự kiến đến đầu năm sau, thương hiệu này sẽ có thêm chín cửa hàng nữa, tập trung vào thị trường TP. HCM và Hà Nội.