Mất nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài

Hường Hoàng - 08:38, 08/04/2024

TheLEADERKhông đánh giá đúng tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp Việt bị mất thương hiệu ở thị trường nước ngoài.

Mất nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài
Cà phê Trung Nguyên từng bị đánh cắp nhãn hiệu tại thị trường Mỹ. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Vụ việc cà phê Trung Nguyên, gạo ST25, Meet More... bị đánh cắp nhãn hiệu ở các thị trường nước ngoài trọng điểm để lại nhiều bài học về sự bất cẩn của chính các thương hiệu.

Tháng 7/2000, Tập đoàn Trung Nguyên tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục đích đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng thì đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng về sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Đứng trước nguy cơ đánh mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, Trung Nguyên đã phải vất vả và tiêu tốn tốn hàng trăm nghìn USD trong khoảng 2 năm để dàn xếp ổn thoả cho việc lấy lại thương hiệu.

Rút ra được kinh nghiệm, Trung Nguyên sau đó đã mạnh tay đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới.

Meet More Coffee, khi thấy sản phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng nhất là tại thị trường Hàn Quốc, công ty đã chủ động nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho cơ quan sở hữu trí tuệ Hàn Quốc ngay từ khi mới có một vài đơn hàng xuất khẩu vào nước này. 

Tuy nhiên, cơ quan này đã từ chối do nhãn hiệu Meet More đã được đăng ký trước đó tại Hàn Quốc bởi chính đối tác phân phối của công ty. Sau đó, Meet More đã phải chủ động thương thảo với đối tác để có quyền đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia này. 

Tương tự, trong giai đoạn 2021-2022, gạo ST24, ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo đã đạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines năm 2019 và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ cũng đã bị một số cá nhân, tổ chức ở Úc và Mỹ nộp đơn đăng ký trước.

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, đã bảo vệ thành công gạo ST24, ST25 của Việt Nam không bị một doanh nghiệp khác đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia này.

Đâu là nguyên nhân? 

Trao đổi với TheLEADER, ông Nguyễn Trần Hải Đăng, Phó phòng nhãn hiệu và bản quyền tác giả của  ALIAT LEGAL cho rằng, có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan đằng sau việc các doanh nghiệp mất nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, nguyên nhân cốt yếu vẫn từ phía chủ quan của doanh nghiệp.

Nhiều chủ doanh nghiệp còn thiếu sót, hiểu nhầm trong nhận thức về vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung và quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ ở từng quốc gia. Thiếu sót lớn nhất và thường gặp nhất là việc doanh nghiệp không tiến hành hoặc chậm trễ việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại các thị trường mục tiêu.

Hai trong số những nguyên tắc của quyền sở hữu công nghiệp nói chung (gồm nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…) là nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first-to-file) và nguyên tắc lãnh thổ. 

Theo đó, với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, pháp luật chỉ bảo hộ cho chủ thể nộp đơn đăng ký sớm nhất đối với cùng một đối tượng. 

Đây là nguyên tắc được nhiều thị trường áp dụng, bên cạnh khoảng 30 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng nguyên tắc sử dụng đầu tiên (first-to-use), điển hình như Mỹ, Úc, Canada, Nam Phi, Hongkong... 

Còn với nguyên tắc lãnh thổ, văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp được cấp ở quốc gia, vùng lãnh thổ nào thì chỉ có hiệu lực trong phạm vi địa lý của quốc gia, vùng lãnh thổ đó.

Nếu không hiểu được hai nguyên tắc này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác tiến hành đăng ký bảo hộ trước cho nhãn hiệu của mình tại các quốc gia, vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp chưa đăng ký.

Đã có nhiều trường hợp như thế xảy ra không chỉ đối với doanh nghiệp Việt mà cả ở nhiều nước khác khi mở rộng thị trường quốc tế. 

Thuật ngữ pháp lý cho hành vi đăng ký nhãn hiệu như thế này thường gọi là đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu (bad faith). Đây cũng chính là một trong những vấn đề nhức nhối đối với doanh nghiệp khi có ý định phát triển thương hiệu ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo nguyên tắc lãnh thổ, việc đăng ký nhãn hiệu ở nhiều nước khác nhau từ quá sớm có thể rất tốn kém, bởi khi đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí nộp đơn, phí dịch thuật và phí duy trì cao trong một giai đoạn thương mại hóa sớm một cách không cần thiết.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Cũng theo ông Đăng, để tránh bị mất nhãn hiệu ở nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc thời điểm và địa điểm phù hợp để tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài.

Doanh nghiệp nên cân nhắc đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia/vùng lãnh thổ mà sản phẩm, dịch vụ đang hiện diện, kể cả khi xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp thông qua trung gian.

Trường hợp sản phẩm, dịch vụ chưa hiện diện thực tế tại thị trường nhưng doanh nghiệp đã hoặc đang có các hoạt động nghiên cứu, quảng bá, xúc tiến thương mại tại thị trường đó thì cũng nên tiến hành ngay việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Doanh nghiệp nên xét đến kế hoạch, định hướng phát triển thị trường trong 5-10 năm tới, tránh việc “nước đến chân mới nhảy”.

Thứ hai, trước khi đưa sản phẩm sang thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu, nắm bắt thật cẩn trọng, kỹ lưỡng các quy định pháp luật có liên quan của nước sở tại. 

Thứ ba, doanh nghiệp cần phải thật chú ý đến việc quản trị hoạt động sở hữu trí tuệ. Nếu không thận trọng, tính toán kỹ lưỡng, các doanh nghiệp sẽ rất dễ “biến bạn thành thù”, bởi những vụ việc gần đây đều cho thấy các đối tác xuất khẩu, sản phẩm dịch vụ của nước sở tại chính là những bên có nguy cơ “đăng ký trước” nhãn hiệu của doanh nghiệp nhất.